Chi tiết - Sở Tư pháp

 

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Hỏi: Từ 01/7/2025, đã rút BHXH 1 lần có được hưởng lương hưu hay không?

Trả lời:

- Theo quy định tại  Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với đối tượng đóng BHXH bắt buộc như sau:

Điều 64. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

c) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Theo quy định tại  Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với đối tượng đóng BHXH tự nguyện như sau:

Điều 98. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và các văn bản hướng dẫn liên quan không cấm người lao động đã rút BHXH 1 lần thì không được tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Theo Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Có thể hiểu khi đã thanh toán BHXH 1 lần, nếu muốn được hưởng lương hưu thì thời gian đóng BHXH phải tính lại từ đầu.

Như vậy, nếu đã rút BHXH 1 lần thì sau khi đóng lại BHXH từ đầu, người lao động toàn vẫn có thể được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện về độ tuổi và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.

Câu 2

Hỏi:  Thời điểm hưởng lương hưu khi tham gia BHXH bắt buộc được xác định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định thời điểm hưởng lương hưu khi tham gia BHXH bắt buộc được xác định như sau:

- Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản của người sử dụng lao động xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xác định việc chấm dứt làm việc.

- Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản đề nghị của người lao động.

Câu 3:

Hỏi: Thời điểm hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện được xác định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định thời điểm hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện được xác định như sau:

- Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động làm việc liên tục đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên: được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Câu 4:

Hỏi: Thời điểm hưởng lương hưu đối với CBCCVC đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khi nào?

Trả lời: Căn cứ theo khoản 1 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thời điểm hưởng lương hưu như sau:

Điều 69. Thời điểm hưởng lương hưu

1. Thời điểm hưởng lương hưu đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản của người sử dụng lao động xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xác định việc chấm dứt làm việc.

Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 như sau:

Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

Theo quy định nêu trên, thì thời điểm hưởng lương hưu đối với CBVCCC đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định và được ghi trong văn bản của người sử dụng lao động xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xác định việc chấm dứt làm việc.

Câu 5

Hỏi: Cán bộ công chức viên chức đang hưởng lương hưu bị chấm dứt khi nào?

Trả lời: Căn cứ theo khoản 2 Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng như sau:

Điều 75. Tạm dừng, chấm dứt, tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

1. Tạm dừng việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Xuất cảnh trái phép;

b) Bị Tòa án tuyên bố mất tích;

c) Khi không xác minh được thông tin người thụ hưởng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 của Luật này.

2. Chấm dứt việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người đang hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết;

b) Từ chối hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng văn bản;

c) Kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương hưu bị chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết;

- Từ chối hưởng lương hưu bằng văn bản;

- Kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

                                                          Ánh Tuyết – PBGDPL

Câu 1

Hỏi: Giải quyết tiếp tục hưởng lương hưu trong trường hợp đã bị chấm dứt hưởng lương hưu trong thời hạn bao lâu?

Trả lời:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:

Điều 81. Giải quyết tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong trường hợp đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng

1. Người đề nghị tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nộp hồ sơ quy định tại Điều 80 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo quy định nêu trên, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết tiếp tục hưởng lương hưu trong trường hợp đã bị chấm dứt hưởng lương hưu.

Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu 2

Hỏi: Thời gian hưởng chế độ ốm đau có tính ngày nghỉ hằng tuần không?

Trả lời:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

Điều 43. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Theo quy định nêu trên, thì thời gian hưởng chế độ ốm đau không tính ngày nghỉ hằng tuần.

Câu 3

Hỏi: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau gồm những giấy tờ gì? Nộp chậm nhất trong thời gian bao lâu?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau gồm những giấy tờ sau:

- Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú là bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ sau đây:

+ Giấy ra viện;

+ Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;

+ Giấy tờ khác chứng minh quá trình điều trị nội trú.

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú là một trong các giấy tờ sau đây:

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;

+ Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú;

+ Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.

- Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài là các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh thể hiện tên bệnh, thời gian điều trị bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

+ Có bản dịch tiếng Việt được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;

+ Được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

- Người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ốm đau chậm nhất là khi nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:

Điều 48. Giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau

1. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 47 của Luật này cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ốm đau chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Câu 4

Hỏi: Từ 01/7/2025, thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con là bao lâu?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con như sau:

Điều 53. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con

2. Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi;

d) Trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.

Như vậy, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi;

* Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con gồm những gì?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản như sau:

Điều 61. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản

5. Hồ sơ đề nghị nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc hưởng trợ cấp một lần đối với lao động nam khi vợ sinh con là bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; trường hợp giấy chứng sinh không thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì cần thêm bản chính hoặc bản sao văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ có thể hiện thông tin về con chết.

Như vậy, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con gồm:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

- Trường hợp giấy chứng sinh không thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì cần thêm bản chính hoặc bản sao văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện thông tin về việc sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.

- Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ có thể hiện thông tin về con chết.

Câu 5

Hỏi: Mức hưởng trợ cấp thai sản một ngày đối với lao động nam khi vợ sinh con được tính như thế nào?

Trả lời: Căn cứ theo khoản 2 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về trợ cấp thai sản như sau:

Điều 59. Trợ cấp thai sản

1. Trợ cấp thai sản một tháng của người lao động quy định tại các điều 51, 52, 53, 54, 55, 56 và 57 của Luật này bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 06 tháng thì trợ cấp thai sản của người lao động quy định tại Điều 51, Điều 52, các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 53, các khoản 1, 2 và 4 Điều 54, khoản 2 Điều 55 và Điều 57 của Luật này là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tháng đã đóng.

2. Trợ cấp thai sản một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 51 và khoản 2 Điều 53 của Luật này được tính bằng trợ cấp thai sản một tháng chia cho 24 ngày.

Căn cứ theo khoản Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con như sau:

Điều 53. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con

2. Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi;

d) Trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.

Như vậy, mức hưởng trợ cấp thai sản một ngày đối với lao động nam khi vợ sinh con được tính như sau:

Mức hưởng = Mức hưởng trợ cấp thai sản một tháng: 24 ngày

                                                                          PN