Chi tiết - Sở Tư pháp

Thời gian gần đây, Sở Tư pháp tiếp nhận nhiều văn bản kiến nghị, thông tin phản ánh về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực; Tình trạng một số công chứng viên chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, thậm chí có trường hợp công chứng viên vi phạm pháp luật bị khởi tố; Một số đối tượng lợi dụng hoạt động công chứng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đặc biệt, nhiều vụ việc liên quan đến việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), các giấy tờ, tài liệu cá nhân giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thu lợi trái phép; hành vi lừa đảo cũng được các đối tượng làm giả một cách hết sức tinh vi và có tổ chức.

Description: C:\Users\DELL\Desktop\A1.jpg

“Ngày thứ 7 tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính, tư vấn pháp luật và hướng dẫn hồ sơ công chứng” của Chi đoàn Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị- Ảnh Bích Hảo

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Sở Tư pháp đã có Công văn 745/STP TTr của Sở Tư pháp ngày 20/4/2023 đề  nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Các tổ chức hành nghề công chứng và Hội Công chứng viên tỉnh kịp thời chấn chỉnh hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Tư pháp yêu cầu:

UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực; về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng cho cán bộ và Nhân dân tại địa phương; Chỉ đạo Phòng Tư pháp, UBND cấp xã tiếp tục cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã chứng thực lên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực của tỉnh; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện cung cấp thông tin liên quan về hợp đồng, giao dịch và thông tin khác về nhân thân (thông tin về khai sinh, khai tử, kết hôn, hộ gia đình…) khi có yêu cầu; Cung cấp các thông tin phản ánh, kiến nghị của cử tri, các tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực cho Sở Tư pháp để kịp thời chỉ đạo và xử lý theo quy định.

Các Tổ chức hành nghề công chứng nghiêm túc thực hiện các quy định Luật công chứng và các văn bản liên quan; Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ Công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các quy định pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề trong hoạt động công chứng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nội bộ; Quán triệt Công chứng viên của tổ chức mình thực hiện chặt chẽ việc thẩm định hồ sơ khi thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định; Chủ động tích cực phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan ( như Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện...) để trao đổi thông tin, kiểm tra tính chính xác về nội dung của giao dịch, yêu cầu công chứng theo quy định để kịp thời phát hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, chủ động phát hiện việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ, tài liệu cá nhân giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo thì kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan có biện pháp xử lý.

   Hội Công chứng viên tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến hội viên các quy định của Luật Công chứng năm 2014, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và nội quy của Hội bằng các hình thức phù hợp; Giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công chứng theo quy định./.

Sĩ Hải -Thanh tra