Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Một trong những biện pháp để thực hiện quyền trên là đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản. Biện pháp này nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp, tránh gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được.

Pháp luật hiện hành quy định:

- Tại Khoản 7 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời.  

- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 111) quy định quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

 Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Pháp luật đã quy định rất rõ ràng về cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người dân chưa hiểu rõ chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được yêu cầu tạm dừng giao dịch đối với tài sản nên dẫn đến tình trạng gửi đơn đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo dừng việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp này chủ yếu do tranh chấp phát sinh từ các cá nhân với nhau hoặc chỉ được cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc, nhưng chưa có văn bản yêu cầu ngăn chặn, nên việc yêu cầu tạm dừng công chứng, chứng thực các tài sản đó là chưa đúng quy định của pháp luật. Không chỉ ở Sở Tư pháp mà các Tổ chức hành nghề công chứng, UBND cấp xã cũng nhận được một số văn bản đề nghị dừng giao dịch đối với tài sản khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền; Tuy nhiên, khi thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch thì các đơn vị chỉ sử dụng các thông tin ngăn chặn được đăng tải trên trang quản lý cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực của Sở Tư pháp và những văn bản do các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật yêu cầu không thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch đối với tài sản chứ không thể thực hiện theo yêu cầu của các cá nhân.

Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được ban hành các văn bản ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn, Sở Tư pháp, các đơn vị có liên quan về công chứng, chứng thực (như Phòng công chứng, văn phòng công chứng, UBND cấp xã….) chỉ cập nhật các thông tin ngăn chặn từ các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Qua cơ sở dữ liệu này, công chứng viên, người thực hiện chứng thực dễ dàng truy cập, trích xuất thông tin về nguồn gốc, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn, để xem xét trước khi quyết định công chứng, chứng thực hoặc từ chối công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch. Các thông tin ngăn chặn kịp thời khắc phục việc một tài sản được giao dịch nhiều lần tại các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực hoặc tài sản đem giao dịch đã được các cơ quan có thẩm quyền tạm dừng giao dịch phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch. Do vậy, người dân cần tìm hiểu để thực hiện yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn (dừng giao dịch) đối với tài sản đúng theo quy định để thực hiện.

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo và tăng cường tuyên truyền, tập huấn về công chứng, chứng thực; đặc biệt các quy định về cung cấp thông tin ngăn chặn và thông tin giải tỏa ngăn chặn trên phần mềm quản lý dữ liệu công chứng, chứng thực (Dtsoft) để người dân biết thực hiện nhằm hạn chế đơn đề nghị yêu cầu không đúng quy định.

Nguyễn Hải