Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
- Ngày đăng: 28-12-2021
- 200 lượt xem
ThS. Lê Thị Huyền
Khoa Nhà nước và pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Đảng ta xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, trong thời kỳ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thì công tác PBGDPL ngày càng có vai trò quan trọng, được xác định là một “khâu nối” để đưa pháp luật vào cuộc sống. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố)1, dân số 643.505 người (số liệu đến 31/12/2020)2, trong đó, dân tộc thiểu số là 93.673 người (chủ yếu là Vân Kiều và Pa Kô) chiếm 14% dân số cả tỉnh, sinh sống chủ yếu ở huyện Hướng Hoá, Đakrông và một số xã miền núi thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật PBGDPL và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm tổ chức các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 398.078 cuộc PBGDPL truyền thông, thu hút 5.148.138 lượt người tham gia, 618 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 188.205 người dự thi; tổng số tài liệu được phát hành miễn phí là 239.489 bản; 268.125 chương trình PBGDPL được phát sóng trên đài truyền thanh xã; 3.762 tin bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng; 153 chuyên mục Pháp luật và Đời sống liên quan đến các vấn đề mang tính thời sự từ thực tiễn cuộc sống, đặc biệt có 1.129 tài liệu PBGDPL được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số3. Qua đó, Hội đồng PBGDPL đã phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể thấy, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ngày được kiện toàn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Cụ thể: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên tham mưu kiện toàn thành viên Hội đồng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở địa phương nhằm tạo lực lượng nòng cốt bảo đảm cả về số lượng và chất lượng để thực hiện việc tuyên truyền, PBGDPL. Hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu giúp UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh, đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện và tuyên truyền viên tuyến xã. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh có 36 thành viên (theo Quyết định số 2947/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh); toàn tỉnh hiện nay có 202 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (trong đó có 44 người có trình độ Đại học Luật, 140 người có trình độ Đại học khác và 18 người có trình độ Thạc sĩ); cấp huyện có tổng cộng 219 Báo cáo viên pháp luật (trong đó có 159 người có trình độ Đại học Luật, 53 người có trình độ Đại học khác và 7 người có trình độ Thạc sĩ). Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã trên toàn tỉnh là 1.025 người (trong đó có 548 người có trình độ Đại học Luật, 223 người có trình độ Đại học khác, 254 người có trình độ dưới Đại học). Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 199 công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện nhiệm vụ PBPL (trong đó có 190 người có trình độ Đại học Luật, 8 người có trình độ Đại học khác và 1 người có trình độ Thạc sĩ ); 824 tổ hòa giải với 5.577 hòa giải viên (1.215 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số)3. Lực lượng này đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh, qua đó đưa chính sách pháp luật vào thực tiễn đời sống của Nhân dân.
Cùng với đó, công tác PBGDPL pháp luật được đổi mới hình thức, phương pháp, trong đó có một số hình thức có hiệu quả như: PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu, hoạt động của tổ chức hòa giải ở cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý....Mặt khác, ngoài việc duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm mới, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thiết lập trang thông tin điện tử, trong đó đăng tải rộng rãi các thông tin pháp luật, chính sách, thủ tục hướng dẫn người dân. Việc đa dạng các hình thức tuyên truyền PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của Nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật của Nhànước, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao trình độ dân trí, am hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
Một là, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan còn thiếu tính đồng bộ và chưa thực sự chặt chẽ, đôi khi còn chồng chéo; các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL đều hoạt động kiêm nhiệm nên việc dành thời gian đầu tư cho hoạt động này chưa nhiều, thiếu chuyên sâu, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, điều kiện kinh phí bố trí cho hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở của các cấp, các ngành còn hạn chế. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chưa được thường xuyên và sâu rộng, hình thức còn nghèo nàn (chủ yếu là tổ chức Hội nghị, tuyên truyền miệng); cơ sở, phương tiện tuyên truyền còn thiếu nên hiệu quả đem lại đối với công tác PBGDPL chưa cao. Các hoạt động PBGDPL vẫn chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm. Ở cấp xã, vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí riêng cho công tác mà chỉ trích trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của đơn vị để chi cho công tác này nên việc triển khai hoạt động còn bị động, lúng túng, hiệu quả đem lại chưa cao. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, xã hội hóa công tác PBGDPL còn gặp rất nhiều khó khăn, cách thức huy động các nguồn lực xã hội hóa còn chưa linh hoạt, thiếu cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích động viên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL.
Ba là, cán bộ làm công tác pháp chế của các ngành vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian, điều kiện để thực hiện công việc tuyên truyền PBGDPL. Lực lượng trực tiếp tham mưu về công tác tuyên truyền, PBGDPL còn thiếu, chưa nhạy bén trong cải tiến phương pháp PBGDPL, làm hạn chế hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Bốn là, các địa bàn thuộc phạm vi tuyên truyền rất đặc thù (như huyện Hướng Hóa và Đakrông) có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, một số đối tượng trình độ học vấn còn hạn chế, ý thức tìm hiểu về pháp luật chưa cao nên công tác PBGDPL gặp nhiều khó khăn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác PBGDPL còn chưa được hiệu quả và sâu rộng.
Để hoạt động PBGDPL đạt được kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới theo tôi các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất,cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đơn vị trong hoạt động phối hợp PBGDPL. Nâng cao vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPLcấp tỉnh, cấp huyện; thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và Nhân dân...phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Đặc biệt, ngành tư pháp các cấp, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL, phải chủ động tham mưu cho chính quyền cấp mình trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng kết công tác PBGDPL tại địa phương.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong PBGDPL. Mặt khác, cần nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ trực tiếp làm công tác PBGDPL. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bảnvà người có uy tín ở địa phương trong công tác PBGDPL và có những chính sách hỗ trợ cho những già làng, trưởng thôn, trưởng bản và người có uy tín ở địa phương khi thực hiện công tác PBGDPL.
Thứ ba, gắn công tác PBGDPL với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, hoàn thành chỉ tiêu về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vì vậy, trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác PBGDPL và phải coi đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đa dạng hóa nội dung và hình thức PBGDPL. Đồng thời, kết hợp hài hòa các hình thức PBGDPL truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Những hình thức PBGDPL phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng như: PBGDPL thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa, tủ sách pháp luậtvà các mô hình tiêu biểu hưởng ứng ngày pháp luật trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo sự lan tỏa trong PBGDPL, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các nhà trường để có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên. Đây là đối tượng đặc biệt là chủ nhân của đất nước. Bởi vì, lực lượng này là lực lượng dễ bị lôi kéo, kích động thực hiện các hành vi phạm tội. Qua đó, giúp cho các em sống, học tập và làm việc Hiến pháp, pháp luật.
Thứ sáu, cần bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động PBGDPL nói chung và các chương trình, đề án về PBGDPL nói riêng. Kinh phí được bố trí hằng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức PBGDPL có hiệu quả cho người dân.
Có thể khẳng định rằng, công tác PBGDPL có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, giúp người dân nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật, “sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện mục tiêu “xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”3, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật./.
Tài liệu tham khảo:
- 1Ủy ban thường vụ Quốc hội,Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, Hà Nội, 2019.
- 2 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Báo cáo số 84/ BC-UBND ngày 21/5/2021 về việc Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Quảng Trị, 2021.
- 3 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Báo cáo số 140/BC-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Trị, 2021.
- 4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2021, t.I, tr.287.
- Công bố các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ hết hiệu lực ngày 15/12/ 2021 (07/07/2022)
- Một số kết quả triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017- 2021” (07/07/2022)
- Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Cam Lộ đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (07/07/2022)
- Một số kết quả đạt được trong năm thứ 02 thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (07/07/2022)
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. (07/07/2022)
- Quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (07/07/2022)
- Công tác cải cách hành chính trong Quý III năm 2021 tại Sở Tư pháp (07/07/2022)
- Phụ nữ Quảng Trị với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng chống mua bán người. (07/07/2022)
- Quyết định số 310/QĐ-STP ngày 16/9/2021 về việc thành lập BTC cuộc thi "Tìm hiểu cải cách hành chính nhà nước" của Sở Tư pháp năm 2021 (07/07/2022)
- Phụ nữ Hướng Hóa phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao vai trò của phụ nữ, thực hiện nghiêm túc các văn bản trong phòng, chống dịch Covid-19 (07/07/2022)