Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
LUẬT CĂN CƯỚC NĂM 2023- CÔNG CỤ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG ĐỂ NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ DÂN CƯ THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI
- Ngày đăng: 13-06-2024
- 134 lượt xem
.
Người viết: ThS.GVC. Cao Thị Hà
Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn
Công tác quản lý dân cư là một nội dung cơ bản trong hoạt động quản lý nhà nước của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công tác này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Căn cứ vào trình độ phát triển, yêu cầu quản lý, phong tục, tập quán mà mỗi nhà nước sẽ có cách thức quản lý dân cư phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, với tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư là xu hướng tất yếu. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác quản lý dân cư, đảm bảo cuộc sống cho người dân và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 của Đại hội Đảng khóa XIII xác định: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”[1].
Để phù hợp với sự phát triển của xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước. Đạo luật này gồm có 07 chương 46 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Luật Căn cước (sau đây gọi là Luật năm 2023) là bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác quản lý nhà nước.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật năm 2023 có những nội dung mới cơ bản như sau:
1. Luật năm 2023 đổi tên “thẻ Căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”
Trong Luật Căn cước công dân năm 2014 gọi là “Thẻ Căn cước công dân”. Cách gọi như vậy một mặt cho thấy việc quản lý căn cước chỉ đặt ra đối với công dân Việt Nam nên không đáp ứng được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật; mặt khác, tên gọi đó chưa bảo đảm tương đồng thông lệ chung của thế giới nên có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế. Luật năm 2023 đã đổi tên thành “thẻ căn cước”. Tại khoản 1 và khoản 11 Điều 3 Luật năm 2023 định nghĩa như sau:
“1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.
11. Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”
Việc đổi tên thành “thẻ căn cước” là để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của Luật, giúp công tác quản lý dân cư khoa học hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân Việt Nam khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự và bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế.
Luật năm 2023 cũng đã quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân và chứng minh nhân dân. Đối với thẻ căn cước công dân, khoản 1 Điều 46 Luật năm 2023 nêu rõ: “ 1Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước”. Theo đó, người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Chỉ khi nào thẻ Căn cước công dân hết giá trị sử dụng hoặc người dân có nhu cầu đổi hoặc bị mất, hỏng thì được đổi sang thẻ căn cước.
Đối với chứng minh nhân dân, theo Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014: “2. Chứng minh nhân dân đã cấp vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn 15 năm hoặc khi công dân yêu cầu đổi sang thẻ Căn cước công dân”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 46 Luật năm 2023 quy định: “2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024”. Đây là điểm mới của Luật năm 2023 so với khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014. Từ 01/01/2025 phải thực hiện việc đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng.
Điều 46 Luật năm 2023 khẳng định: “Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp”.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật năm 2023 bổ sung quy định về căn cước điện tử. Theo Khoản 17 Điều 3 Luật năm 2023 định nghĩa: “17. Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập”. Khoản 1 Điều 31 Luật năm 2023 nêu rõ, từ 01/7/2024, “1. Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử”. Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó. Căn cước điện tử sẽ giúp cho công dân không cần mang theo thẻ căn cước in khi thực hiện các giao dịch điện tử, mà chỉ cần sử dụng thiết bị di động hoặc thiết bị khác có khả năng kết nối internet. Quy định này đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới số, tạo điều kiện cho công dân tham gia vào các giao dịch điện tử thuận tiện và an toàn. Sau khi đã có căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp mới lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID.
2. Luật năm 2023 mở rộng đối tượng áp dụng
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, Luật năm 2023 còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo khoản 4 Điều 3 Luật năm 2023: “4. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống”. Người gốc Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hiện nay về mặt pháp lý cũng như thực tiễn chưa có đầy đủ các thông tin để quản lý chặt chẽ và bảo đảm đầy đủ địa vị pháp lý cho họ, vì vậy, việc quản lý đối với họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Luật năm 2023 quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam. Khoản 12 Điều 3 Luật năm 2023 giải thích: “12. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”. Với quy định này để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của những người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và thuận lợi trong quản lý đối với bộ phận này, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự.
Như vậy, Luật năm 2023 cũng đã quy định phân biệt việc cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.
3. Luật năm 2023 bổ sung người được cấp thẻ căn cước
Luật Căn cước công dân năm 2014 chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Theo khoản 3 Điều 19, từ 01/7/2024, Luật năm 2023 bổ sung người được cấp thẻ căn cước“3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Quy định này để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, tính bảo mật thông tin cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công dân trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.
4. Luật năm 2023 đã điều chỉnh một số nội dung thể hiện trên thẻ căn cước
Điều 18 Luật năm 2023 quy định nội dung thể hiện trên thẻ căn cước. Theo đó, thẻ căn cước có thông tin được in trên thẻ và bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa. Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm 13 thông tin. So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước đã có một số điều chỉnh:
+ Bỏ thông tin quê quán trên thẻ căn cước
Thông tin quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bỏ thông tin quê quán để đảm bảo tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin.
+ Bỏ thông tin vân tay trên bề mặt thẻ căn cước
Quy định này để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ. Trong quá trình làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, cán bộ công an vẫn thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Thông tin này được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước để đối chiếu, nhận dạng khi cần.
+ “Nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”
Trên thẻ căn cước mới sẽ không còn thông tin nơi thường trú, thay vào đó là thông tin nơi cư trú. Theo Luật Cư trú năm 2020, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại.
Việc đổi "nơi thường trú" in trên thẻ Căn cước công dân thành "nơi cư trú" in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay không xác định được nơi thường trú mà chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại. Với quy định này, tất cả người dân Việt Nam đều đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước và được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
+ Sửa đổi “số thẻ Căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”.
Về thực chất Luật năm 2023 chỉ thay tên gọi, còn số thẻ căn cước là số định danh cá nhân.
+ Bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”.
Nơi đăng ký khai sinh dùng để thay thế thông tin về quê quán. Nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và có tính ổn định cao. Dựa vào thông tin “nơi đăng ký khai sinh” sẽ thuận lợi hơn cho quá trình thu thập thông tin, tiến hành đối sánh để xác định một công dân nào đó.
+ Bổ sung thông tin mống mắt, ADN và giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước
Thực tiễn khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật năm 2023 đã bổ sung quy định thu thập mống mắt vào bộ phận lưu trữ căn cước căn cước để phục vụ nhận diện công dân, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Đối với thông tin ADN và giọng nói thì được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
+ Thay “Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ” (hiện là “Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội”) bằng “Nơi cấp: Bộ Công an” để đảm bảo ngắn gọn, thuận tiện.
Việc sửa đổi như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước.
5. Luật năm 2023 rút ngắn thời hạn cấp đổi thẻ căn cước
Tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn được chia theo các trường hợp như sau:
“Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp”.
Theo Điều 26 Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước”.
Luật Căn cước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Chính phủ sổ, chính quyền số, xã hội số; là công cụ quan trọng và hữu hiệu để Nhà nước quản lý dân cư theo hướng hiện đại, nắm bắt và kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến tình hình dân số, tình hình sinh sống, di chuyển của người dân, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội đồng thời phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân Việt Nam trong thời đại số. Việc triển khai thực hiện các quy định của Luật sẽ giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nhà nước về dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030
- Công văn 965/STP-VP ngày 31/5/2024 đề nghị chào giá thẩm định giá phần mềm cho dự án: Nâng cấp, bảo trì phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quản lý công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (31/05/2024)
- Thông báo số 964/STP-VP ngày 31/5/2024 v/v lựa chọn đơn vị lập đề cương và dự toán chi tiết nâng cấp, bảo trì phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quản lý công chứng, chứng thực và thong tin ngăn chặn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. (31/05/2024)
- Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (24/05/2024)
- Tập huấn về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên tỉnh Quảng trị (13/05/2024)
- Hòa giải ở cơ sở góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư (05/07/2024)
- Một số vướng mắc, bất cập trong quy định phân cấp và ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (02/05/2024)
- Xác định 03 lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm liên ngành của tỉnh năm 2024 (31/07/2024)
- Một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng nhằm góp phần thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (31/07/2024)
- Một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp (02/04/2024)
- Quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (16/05/2024)