Chi tiết - Sở Tư pháp

 

.

Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nhằm tạo thế chủ động tổ chức thực hiện các phong trào thi đua ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 256KH-STP ngày 21/02/2022 phát động phong trào thi đua ngành Tư pháp Quảng Trị năm 2022. Ngoài việc chỉ đạo phong trào thi đua thường xuyên, Sở đã  chú trọng triển khai các phòng trào thi đua theo đợt, chuyên đề như: Đoàn kết kỷ cương sáng tạo vượt khó thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; ”Đẩy mạnh việc nghiên cứu học tập quán triệt tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong công chức, viên chức người lao động Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025”; Phát động đợt thi đua cao điểm lập thành tích hướng tới kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, phát động trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức phong trào thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước: thi đua lập thành tích kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng, 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; … kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua thường xuyên với phong trào thi đua theo chuyên đề “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”; “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Mặt khác, để các phong trào thi đua trong năm 2022 được triển khai đồng bộ, sâu rộng đến toàn thể công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ động đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua ở từng đơn vị, nhằm tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong việc tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua; tổ chức phát động, đăng ký thi đua cho từng cá nhân, đơn vị với những chỉ tiêu thi đua cụ thể, gắn việc đăng ký giao ước thi đua với trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giữa các tập thể, cá nhân ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Căn cứ các chương trình, kế hoạch công tác và mục tiêu thi đua của ngành trong năm 2022, Lãnh đạo Sở và Hội đồng Thi đua - khen thưởng của Sở đã cụ thể hoá các nội dung, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực công tác, đề ra các biện pháp thiết thực để duy trì, đẩy mạnh phong trào thi đua và xác định nội dung, mục tiêu trong từng đợt thi đua, cũng như các mốc thời gian thực hiện và hoàn thành để phát động các phong trào thi đua yêu nước trong ngành. Lãnh đạo Sở và Hội đồng Thi đua - khen thưởng của Sở thường xuyên theo dõi, phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong từng phong trào thi đua ở từng đơn vị. Đồng thời, thường xuyên tăng cường đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh và duy trì các phong trào thi đua, tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả triển khai từng phong trào thi đua, từng đợt thi đua, qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy thế mạnh của các đơn vị trong từng phong trào thi đua, đợt thi đua... Do đó, các phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp Quảng Trị trong năm 2022 đã diễn ra đồng bộ, đều khắp trên các lĩnh vực công tác và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Hội nghị tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường

Trong năm 2022, Sở Tư pháp Quảng Trị đã bám sát chỉ đạo, chủ động, tích cực triển khai thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác. Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 25 văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực, triển khai kịp thời, toàn diện các mặt công tác Tư pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tỉnh, của ngành Tư pháp. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng thực hiện nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với tình hình của địa phương, chất lượng thẩm định, góp ý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao. Đã thẩm định 68 dự thảo văn bản QPPL, tham gia 86 dự thảo văn bản do cơ quan ở Trung ương và địa phương gửi đến, tham mưu ban hành Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 Quy định nội dung, mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND ngày 06/9/2022 Quy định thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, năm 2022, Sở Tư pháp đã tham mưu ban hành trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Tổ chức 01 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; thực hiện tự kiểm tra 35 văn bản QPPL, kiểm tra tại chỗ 16 văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Thành lập đoàn kiểm tra văn bản QPPL tại địa bàn các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Qua kiểm tra đã phát hiện có 19 văn bản QPPL và 11 văn bản có chứa QPPL có nội dung trái pháp luật cần phải xử lý theo quy định. Phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát 84 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực có liên quan đến các ngành, lĩnh vực.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến, đổi mới về hình thức, nội dung, phù hợp đối tượng. Trong năm, đã tổ chức, phối hợp tổ chức 20 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; giới thiệu một số nội dung pháp luật về hộ tịch, quốc tịch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; dưỡng nghiệp vụ hoà giải, kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên...) cho gần 2300 lượt người tham gia, cấp phát gần 1300 tài liệu miễn phí, 1280 tờ gấp pháp luật và 433 quyển sách Bộ Luật Hình sự năm 2015. Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến người dân, Sở Tư pháp phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện 24 Chuyên mục “Pháp luật & Đời sống” phát trên sóng truyền hình tỉnh với nội dung tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật mới ban hành, những vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân,... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua Trang thông tin điện tử, qua mạng Facebook, đăng tải các tin, bài liên quan đến hoạt động của ngành, các văn bản chỉ đạo điều hành để mọi đối tượng dễ dàng truy cập tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện.

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về TGPL

Công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính. Trong năm, đã thành lập Đoàn kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh vực quản lý nông nghiệp năm 2022 tại 02 đơn vị (Chi cục Thuỷ Sản, Chi cục Chăn nuôi và thú y); kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2022 tại 02 huyện (Cam Lộ và Vĩnh Linh), 02 thị trấn (Hồ Xá và thị trấn Cam Lộ); ban hành các văn bản rà soát văn bản quy phạm liên quan đến lĩnh vực theo dõi trọng tâm liên ngành; tổ chức thực hiện khảo sát thi hành pháp luật lĩnh vực lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước năm 2022.

Chủ động tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, cấp phiếu lý lịch tư pháp, công tác bồi thường nhà nước, giao dịch bảo đảm, nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng như nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương. Đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến số hóa cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.  Đến nay, đã hoàn thành việc kết nối dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử) trên cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn ở cấp huyện, cấp xã theo Đề án 06. Trong 10 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã cấp 6.185 Phiếu LLTP, (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021); Tỷ lệ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được trả đúng hạn đạt tỷ lệ 95,6%. Tiếp nhận 1.095 trường hợp qua dịch vụ bưu chính công ích, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích: 5.149 trường hợp. Hồ sơ tiếp nhận trực tuyến: 1.517. trường hợp

Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp đi vào nền nếp, việc xã hội hóa được tiếp tục đẩy mạnh đã phục vụ đắc lực hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Tính đến 31/10/2022, các Tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 42.095 việc công chứng, với tổng số phí công chứng thu được trên 15,761 tỷ đồng. Các tổ chức hành nghề đấu giá đã thực hiện 795 cuộc bán đấu giá tài sản, trong đó có 500 cuộc đấu giá thành, với tổng  giá trị tài sản bán được là 775,4 tỷ đồng, chênh lệch tăng so với giá khởi điểm trên 26 tỷ đồng. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 289 vụ việc, doanh thu trên 890,6 đồng, nộp thuế 50.443.000 đồng. Các tổ chức giám định tư pháp công lập đã thực hiện 1.299 vụ việc. Trung tâm TGPL đã tiếp nhận 371 yêu cầu trợ giúp pháp lý và đã thực hiện TGPL 361 vụ việc; tổ chức được 12/12 đợt truyền thông và tư vấn pháp luật về trợ giúp pháp lý tại cơ sở và đã thực hiện tư vấn tại chỗ 74 vụ việc cho người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Thông qua các đợt truyền thông và tư vấn pháp luật về cơ sở, quyền được trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật về tại cơ sở cho đối tượng được TGPL, Trung tâm thực hiện truyền thông và tư vấn pháp luật về các nội dung có liên quan đến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật người khuyết tật, Một số quy định pháp luật liên quan đến đối tượng người chưa thành niên như: Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, một số quy định của Luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân ở cơ sở…

          Việc kiện tòan, sắp xếp tổ chức bộ máy trong ngành Tư pháp được thực hiện thường xuyên; Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn được chú trọng, nâng cao hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn, hướng tới mục tiêu tăng cường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được quan tâm thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, sự nghiêm minh của pháp luật; công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết nhiệm vụ Tư pháp ngày càng chặt chẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Song song với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua, công tác sơ kết, tổng kết, bình xét khen thưởng cũng được quan tâm chú trọng thực hiện. Trong năm đã thực hiện xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý về thành tích xuất sắc đợt thi đua cao điểm nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách; đề nghị Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 01 tập thể, 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua Đoàn kết kỷ cương sáng tạo vượt khó thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 06 cá nhân. Đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho Sở Tư pháp và 02 cá nhân có thành tích trong công tác tiếp công dân giai đoạn 2019-2021; đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 01 cá nhân có thành tích trong sơ kết 3 năm hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công, trình UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Với những kết quả đạt được, năm 2022, Sở Tư pháp Quảng Trị đã được Bộ Tư pháp đánh giá, chấm điểm thi đua đạt 198/200 điểm, xếp hạng Xuất sắc.                                                                                       

                                                                                        Lan Chi