Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
- Ngày đăng: 16-06-2023
- 312 lượt xem
Ngày 1/6/202,3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký văn bản 493/TTg-KSTT yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia để cắt giảm các quy định thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,.. Theo đó, đến tháng 5 năm 2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội qua thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, lắng nghe ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện:
a) Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2022, trong đó nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.
b) Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.
c) Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả.
d) Khẩn trương thực hiện thống kê, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Bộ, ngành, địa phương rà soát, công bố, cập nhật, công khai đầy đủ các bộ phận cấu thành của thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung), hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.
e) Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực theo quy định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
g) Tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023; rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đầu tư công, hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.
3. Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương chủ trì tăng cường hơn nữa công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính đã được đánh giá tác động và thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
4. Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương việc thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát kiểm tra trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022.
5. Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác này; định kỳ hàng quý tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phát huy vai trò Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong đối thoại, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
- Quảng Trị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính (23/06/2023)
- BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI (15/06/2023)
- ĐẨY MẠNH CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH NHẰM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ (15/06/2023)
- Công văn số: 1080/STP-PBGDPL&TDTHPL ngày 09/6/2023 V/v hướng dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở (12/06/2023)
- THỊ XÃ QUẢNG TRỊ: TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN (13/06/2023)
- Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thị xã Quảng Trị. (08/06/2023)
- Danh mục báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp (08/06/2023)
- Công văn 1016/STP-HCTP&BTTP ngày 07/6/2023 V/v tham gia ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (08/06/2023)
- CHI ĐOÀN SỞ TƯ PHÁP TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH “VUI TẾT THIẾU NHI 1/6” (01/06/2023)
- Sở Tư pháp ban hành công văn chấn chỉnh chứng thực chữ ký người dịch (31/05/2023)