Chi tiết - Sở Tư pháp

 

.

Hiện nay, pháp luật không quy định về vấn đề công chứng “nối” và không có điều luật nào quy định về vấn đề này. Trên thực tế, hoạt động công chứng nối hợp đồng mua bán xe ô tô có thể hiểu thủ tục này chỉ hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản là các phương tiện xe cơ giới; người bán và người mua xe sẽ đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán xe. Sau một thời gian, người mua không tiến hành thủ tục sang tên xe mà lại tiếp tục chuyển nhượng xe cho người thứ ba bằng một hợp đồng mua bán khác; Sau đó người thứ ba mới thực hiện thủ tục sang tên giấy tờ xe. Việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng như vậy có căn cứ pháp lý theo quy định hay không? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, thắc mắc.

Theo Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:

“1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản…”.

Theo đó, thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm tài sản được chuyển giao nếu pháp luật liên quan không quy định khác và các bên không có thỏa thuận; Và từ thời điểm xác lập quyền sở hữu, người sở hữu có các quyền của người sở hữu theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền sở hữu: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp tài sản là xe ô tô thì theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định một trong những điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”. Xe ô tô muốn lưu hành, tham gia giao thông thì buộc phải đăng ký.

Quy định về đăng ký xe không phải là điều kiện để có quyền sở hữu xe ô tô (quyền sở hữu xe ô tô có thời điểm nhận chuyển giao xe theo quy định tại 161 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). Đăng ký xe là một trong những điều kiện để chủ phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Việc “ký nối” hợp đồng mua bán xe ô tô là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quy định, bên nhận chuyển nhượng xe ô tô phải làm thủ tục sang tên tại cơ quan Công an, sau đó mới ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác hoặc phải gặp lại chủ xe lúc ban đầu hủy hợp đồng mua bán trước đó để chủ xe lúc đầu ký hợp đồng mua bán trực tiếp cho người kia theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện thủ tục công chứng “nối” là thực hiện hoạt động không đầy đủ căn cứ pháp lý và khi có tranh chấp xảy ra rất có thể bị tuyên hợp đồng vô hiệu theo Điều 133 Bộ luật dân sự dẫn đến thiệt hại cho người mua.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định xử lý đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên: Trường hợp không đăng ký sang tên thì bị xử phạt theo quy định tại điểm l khoản 7 và khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 / 12 / 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô; Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định (trừ trường hợp bị tịch thu phương tiện). Theo quy định tại khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt, thì việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm nêu trên chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông, qua công tác đăng ký xe./.

Hải Nguyễn