Chi tiết - Sở Tư pháp

 

.

Nhằm phát huy sức mạnh của toàn ngành Tư pháp, trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và nỗ lực thi đua đẩy mạnh các hoạt động tư pháp phục vụ tích cực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư pháp ở cơ sở, bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm ở nông thôn, giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội, để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, ngày 13 tháng 01 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 41/QĐ-BTP về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, toàn ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện khẩu hiệu: “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2023 - 2025 với 07 nội dung thi đua chủ yếu sau:

1. Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về quan điểm, chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 381/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các nội dung cụ thể hoá chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới của chính quyền, Ban chỉ đạo các cấp; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.

2. Chủ trì xây dựng, thẩm định, tham gia xây dựng 100% các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao liên quan đến chính sách xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; tích cực tham mưu, đề xuất thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới như: pháp luật về đất đai, môi trường, rừng, biển, khoáng sản, hôn nhân và gia đình, tôn giáo, dân tộc, bình đẳng giới, chính sách xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, đầu tư, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục; xây dựng, phát triển làng nghề; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, an ninh quốc phòng, công bằng, an sinh xã hội...

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, qua công tác này kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, giải phóng sức lao động, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và người dân, doanh nghiệp…

4. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Xây dựng, ban hành và triển khai có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật được giao có liên quan đến các chính sách, chương trình xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

5. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu vượt các chỉ tiêu được giao hàng năm, trong đó năm 2023 đảm bảo tỷ lệ thi hành án trên 82,50% về việc và 45,50% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành; giảm số việc chưa giải quyết xong chuyển sang những năm tiếp theo; phấn đấu phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện giải quyết chính xác 100%; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự liên quan đến người được thi hành án, người phải thi hành án ở nông thôn…

6. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hộ tịch, chứng thực. Triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật hộ tịch, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức pháp luật về hộ tịch của nhân dân. Hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật hộ tịch. Kịp thời xử lý thông tin báo chí, phản ánh, kiến nghị, trả lời đơn thư của tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực hộ tịch…

7. Đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý ở nông thôn, triển khai hiệu quả các hoạt động Trợ giúp pháp lý trong Chương mình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp căn cứ vào Kế hoạch này tổ chức phát động, đăng ký thực hiện phong trào thi đua trong quý I năm 2023. Hàng năm, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua này cùng với tổng kết phong trào thi đua hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đánh giá kết quả và hiệu quả của việc thực hiện Kế hoạch này trong giai đoạn, các đơn vị trong ngành căn cứ vào chương trình, kế hoạch và kết quả thực hiện phong trào thi đua của đơn vị mình tổng kết Phong trào thi đua này vào năm 2025, xét khen thưởng theo thẩm quyền, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định. Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua này vào cuối năm 2025; xét khen thưởng theo thẩm quyền, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

                                                                                      Lan Chi