Chi tiết - Sở Tư pháp

 

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

.

Câu1: Hãy cho biết phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm?

Trả lời: Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định phạm vi điều chỉnh, như sau:

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Câu 2: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 áp dụng với những đối tượng nào?

Trả lời: Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định áp dụng với 06 đối tượng sau đây:

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

- Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam).

- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam).

- Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng.

- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Câu 3: Nhà nước ta có những chính sách gì trong việc phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm?

Trả lời: Điều 5 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định rõ những chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:

- Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm.

- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội.

Câu 4: Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm có phải theo nguyên tắc nào không? Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có các loại hình bảo hiểm nào?

Trả lời: Điều 6 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm như sau:

- Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Khoản 1 Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định có các loại hình bảo hiểm sau:

+ Bảo hiểm nhân thọ;

+ Bảo hiểm sức khỏe;

+ Bảo hiểm phi nhân thọ.

Câu 5: Bảo hiểm bắt buộc có mục đích gì? Bao gồm những loại nào? Quy định đối với tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia báo hiểm bắt buộc như thế nào?

Trả lời: Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định:

- Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

- Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

+  Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

+  Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

+  Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

+ Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

- Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.

- Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

                                                                Hương Sen

Câu 6: Xin hỏi, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Trả lời: Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đó là:

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Câu 7: Đề nghị cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như thế nào về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu?

Trả lời: Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

* Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:

- Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

- Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;

- Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;

- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này;

- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;

- Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật này.

* Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Câu 8: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như thế nào về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm?

Trả lời: Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định:

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

- Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật này;

- Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

- Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật này.

Câu 9: Để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cần có điều kiện gì?

Trả lời: Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, như sau:

* Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:

- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

- Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật này.

* Điều kiện về vốn:

- Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;

- Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

* Điều kiện về nhân sự: Có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật này.

* Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật này và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Câu 10: Xin hỏi,  việc chỉ định, thay đổi người thụ hưởng được Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về chỉ định, thay đổi người thụ hưởng, như sau:

- Bên mua bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm. Trườnghợp bên mua bảo hiểm không đồng thời là người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng; trường hợp người được bảo hiểm chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc chỉ định người thụ hưởng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

- Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, những người được quyền chỉ định người thụ hưởng theo quy định của Luật này có thể xác định thứ tự hoặc tỷ lệ thụ hưởng của những người thụ hưởng. Trường hợp thứ tự hoặc tỷ lệ thụ hưởng không được xác định thì tất cả những người thụ hưởng được hưởng quyền lợi thụ hưởng theo tỷ lệ như nhau.

- Bên mua bảo hiểm có thể thay đổi người thụ hưởng nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm và phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Trường hợp người được bảo hiểm chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc thay đổi người thụ hưởng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải xác nhận tại hợp đồng bảo hiểm hoặc văn bản khác đính kèm hợp đồng bảo hiểm sau khi nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm.

                                                               Đinh Thị Hương

Câu 11:  Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động như thế nào?

Trả lời: Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

- Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

- Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

- Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;

- Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thànhviên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật này của các tổ chức, cá nhân đó;

- Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Chính phủ quy định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Câu 12: Đề nghị cho biết, trong thời hạn bao nhiêu lâu thì được cấp giấy phép thành lập và hoạt động?

Trả lời: Điều 70 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, thời hạn cấp giấy phép thành lập và hoạt động, như sau:

- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trường hợp cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính đồng thời có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đối với người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán.

Câu 13: Việc công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 72 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động, như sau:

- Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung của giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép.

- Ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép và ngày dự kiến chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử của Việt Nam.

Câu 14: Trước khi chính thức hoạt động, Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cần phải đảm bảo các điều kiện gì?

Trả lời: Điều 73 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, điều kiện trước khi chính thức hoạt động, như sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Đối với trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc gia hạn thời gian chính thức hoạt động; thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các quy định sau đây để chính thức hoạt động:

+ Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ hoặc vốn được cấp;

+ Xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với hình thức hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; bầu, bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật; bầu, bổ nhiệm các chức danh đã được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này;

+ Ban hành các quy chế quản lý nội bộ về tổ chức hoạt động, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro và các quy trình nghiệp vụ cơ bản theo quy định pháp luật;

+ Ký quỹ đầy đủ theo quy định của Luật này tại ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam;

+ Có trụ sở, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về kinh doanh bảo hiểm;

+ Thực hiện công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính về việc đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày chính thức hoạt động. Bộ Tài chính có quyền đình chỉ việc chính thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khi chưa đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật này.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trước ngày chính thức hoạt động./.

                                                                                         Phòng PBGDPL