Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều thành quả quan trọng, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là mục tiêu lớn mà Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã đề ra.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, trong quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh; các cơ quan, đơn vị cơ bản tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ việc ban hành danh mục nghị quyết, quyết định quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Hầu hết, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được Sở Tư pháp thẩm định; được các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra (đối với dự thảo Nghị quyết), được các thành viên của Ủy ban nhân dân tham gia ý kiến và được Văn phòng Ủy ban nhân dân kiểm tra, rà soát trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành (đối với quyết định). Cơ quan chủ trì soạn thảo đã xem xét tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra để hoàn thiện dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng pháp luật

Về công tác quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật: Thực hiện Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; văn bản số 301/TTg-PL ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, pháp luật; Công điện số 805/CĐ-TTg ngày 11/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai, tổ chức hiện công tác xây dựng pháp luật: Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 29/12/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Công văn số 1076/UBND-NC ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh v/v tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số các quy định của pháp luật; Công văn số 5151/UBND-NC ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và đề nghị xây dựng quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và đã ban hành các văn bản: Công văn số 149/UBND-NC ngày 12/01/2022 về việc phân công xây dựng văn bản QPPL năm 2022 trong đó có nội dung thông qua danh mục đề nghị xây dựng quyết định quy phạm pháp luật năm 2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Công văn số đôn đốc, chỉ đạo thực hiện việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bổ sung và năm 2023 theo quy định (công văn số 5079/UBND-NC ngày 14/10/2022; Công văn số 5080/UBND-NC ngày 14/10/2022).

Về kết quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/11/2022, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật (21 Nghị quyết, 28 Quyết định). Nội dung các VBQPPL  đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, vì vậy đa số văn bản sau khi ban hành đều đảm bảo tính khả thi cao.

Về Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết: Để kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thi đua, khen thưởng, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4156/UBND-NC ngày 29/8/2022 v/v quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 để phân công cơ quan tham mưu xây dựng văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành chủ động, thường xuyên rà soát các VBQPPL của cấp trên để kịp thời tham mưu ban hành văn bản quy định chi tiết và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, bật cập tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp.

Về công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật: Thẩm định là thủ tục bắt buộc và không thể thiếu trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thẩm định ngày càng được chú trọng, nâng cao về chất lượng; vị trí, vai trò thẩm định, tham gia của Sở Tư pháp được nâng cao; báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản xem là căn cứ quan trọng để xem xét, quyết định ban hành. Từ 01/01/2022 đến 15/11/2022, Sở Tư pháp đã thẩm định 68 dự thảo văn bản QPPL (tăng 11 văn bản so với cùng kỳ năm trước), tham gia 86 dự thảo văn bản do các cơ quan ở Trung ương và địa phương gửi đến (tăng 11 dự thảo văn bản so với cùng kỳ năm trước).

Đánh giá chung

Quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL, UBND tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị; sự nỗ lực của cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn. Sở Tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thi hành Luật trên địa bàn, nhất là nhiệm vụ soạn thảo, góp ý, thẩm định các dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn của địa phương.

Các sở, ban, ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu UBND ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các VBQPPL; tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL đã nhận được sự quan tâm, góp ý của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, các văn bản được ban hành phù hợp với các VBQPPL của Trung ương và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Khó khăn, hạn chế

Thứ nhất, một số cơ quan vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng các dự thảo văn bản QPPL, có một số dự thảo đến gần kỳ họp, phiên họp của HĐND mới đề nghị bổ sung.

Thứ hai, đội ngũ người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thường xuyên thay đổi, do đó, chưa đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa tận dụng tối đa nguồn lực của công chức pháp chế, do vậy chất lượng tham mưu soạn thảo, ban hành một số VBQPPL của tỉnh còn hạn chế, chất lượng chưa cao.

Từ thực tế nêu trên, để hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL của UBND tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo được đảm bảo hiệu quả, tăng cường về chất lượng, tạo tính đồng bộ, thống nhất của hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL, tính khả thi của VBQPPL sau khi ban hành, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp đôn đốc, nhắc nhở, đẩy mạnh tiến độ và chất lượng công tác tham mưu, rà soát, xây dựng và ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành liên quan đến công tác xây dựng và ban hành VBQPPL nhằm đảm bảo công tác xây dựng và ban hành VBQPPL trong năm 2023 được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, thủ trưởng các sở, ban, ngành trực tiếp chỉ đạo thường xuyên thực hiện rà soát, hệ thống hóa VBQPPL để tham mưu cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ những văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương cũng như phát hiện nội dung trái pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới đảm bảo tính thống nhật trong hệ thống pháp luật.

Thứ ba, ưu tiên tăng cường nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động tham mưu xây dựng và ban hành VB QPPL của tỉnh.

                                                                   Sơn Tiên- Sở Tư pháp