Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và có những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”.

Theo quy định nêu trên thì “văn bản chi tiết” là văn bản QPPL quy định cụ thể các nội dung được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Việc giao ban hành văn bản quy định chi tiết phải được quy định ngay tại điều, khoản, điểm của văn bản QPPL, trong đó nêu rõ cơ quan được ban hành văn bản quy định chi tiết và nội dung giao quy định chi tiết (nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác) phải cụ thể.

Khoản 1 Điều 27 và khoản 1 Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Điều 30 Luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao. Như vậy, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước cấp trên giao HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy định chi tiết khi được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP0,  HĐND, UBND cấp tỉnh được ban hành quy định chi tiết trong các trường hợp sau:

 - Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH giao cho HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước giao cho HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (thực tế cho thấy, hầu như lệnh, quyết định của Chủ tịch nước không giao cho chính quyền địa phương quy định chi tiết).

- Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ giao cho HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết.

Khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Như vậy, trường hợp HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh được cơ quan nhà nước cấp trên giao quy định chi tiết thì cơ quan này không được ủy quyền tiếp cho HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy định chi tiết.

Để tổ chức thực hiện, quản lý việc ban hành văn bản quy định chi tiết của chính quyền địa phương, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương (Điều 28, Điều 29, Điều 29a), cụ thể:

Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước có nội dung được giao quy định chi tiết có trách nhiệm đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, trong đó nêu rõ tên văn bản được quy định chi tiết; điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết; dự kiến tên văn bản quy định chi tiết; cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp; thời hạn trình ban hành; Lập danh mục các nội dung luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước giao cho địa phương quy định chi tiết; Gửi danh mục văn bản quy định chi tiết và danh mục các nội dung giao quy định chi tiết đến Bộ Tư pháp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua; trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ký ban hành.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm: Tiếp nhận, tổng hợp các đề xuất để lập danh mục văn bản quy định chi tiết; tổ chức họp với các bộ, cơ quan ngang bộ được dự kiến phân công chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất ý kiến về danh mục văn bản quy định chi tiết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật; Thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết.

Sở Tư pháp có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định trình Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh mục quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.”.

Về trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ, quyết định của thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định cụ thể tại Điều 29, Điều 29a Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo, thời hạn trình văn bản quy định chi tiết theo quyết định ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 20 của Luật có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nghị định, quyết định đó được ký ban hành; Theo dõi, đôn đốc việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật có trách nhiệm: Thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung thông tư giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày thông tư đó được ký ban hành; Theo dõi, đôn đốc việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành thông tư; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Với thể chế đã được hoàn thiện, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung được giao của cơ quan nhà nước cấp trên được chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị quan tâm tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy định chi tiết được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan.

Bên cạnh mặt tích cực, hiện nay việc ban hành, quản lý, đôn đốc, theo dõi việc xây dựng văn bản quy định chi tiết của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: việc ban hành văn bản quy định chi tiết thường chậm, không bảo đảm văn bản quy định chi tiết của chính quyền địa phương có hiệu lực đồng thời với văn bản được giao quy định chi tiết; nhiều chính sách, quy định có lợi cho người thi hành chậm được triển khai trên thực tế. Các bộ, ngành Trung ương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thông báo các nội dung Thông tư giao cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Một số quy định của trung ương giao cho địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết quy định chung chung, khó thực hiện…

Để thực hiện tốt hơn việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao tại các văn của cơ  quan nhà nước cấp trên, thiết nghĩ cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Đối với các Sở ban ngành: Thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị khi có căn cứ rà soát để kịp thời tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết đảm bảo văn bản quy định chi tiết của chính quyền địa phương có hiệu lực đồng thời với văn bản được giao quy định chi tiết.

Đối với Sở Tư pháp:  Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước ở địa phương để bảo đảm tiến độ soạn thảo và chất lượng dự thảo văn bản quy định chi tiết; thực hiện  chế độ thống kê, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp theo đúng thời gian quy định.

Đối với các Bộ, ngành, trung ương: Khi tham mưu xây dựng dự thảo văn bản có nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết thi hành văn bản cần phải quy định rõ ràng về nội dung, thời gian thực hiện; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết.

                                                                                           Thu Hà