Chi tiết - Sở Tư pháp - Cổng thông tin

Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Tảo hôn và HNCHT không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, cùng với hệ thống chính trị, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực vào cuộc với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần quan trọng nhằm phòng, chống tảo hôn và HNCHT.

Xác định phòng, chống tảo hôn và HNCHT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đoàn, thời gian qua, các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều hoạt động cụ thể, nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn và HNCHT, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS.

Các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh nhất là ở vùng sâu, vùng xa luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Thanh niên, chính sách về dân số… Để công tác này đạt hiệu quả cao, tùy vào từng đối tượng mà tổ chức Đoàn có hình thức tuyên truyền phù hợp. Trong đó, đối với đoàn viên, thanh thiếu niên là học sinh, Đoàn Thanh niên chủ động phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần…Mục đích là tạo cho các đoàn viên thanh niên trong nhà trường hiểu về tảo hôn và HNCHT là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến việc sinh sản, học tập, và tương lai của các em.

Đối với đoàn viên, thanh niên sinh hoạt tại các địa phương, thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, Đoàn Thanh niên cũng phối hợp với chính quyền tiến hành tuyên truyền lồng ghép các kiến thức về hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản để đoàn viên, thanh niên nắm bắt và thực hiện. Đặc biệt, các tổ chức đoàn đã đến tận nhà đoàn viên để tuyên truyền. Nhờ đó, nhiều trường hợp có ý định tảo hôn đã được ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Ban Dân tộc; Mặt trận Tổ quốc, Cựu chiến binh, Công an tổ chức các khóa tập huấn Kỹ năng tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ Đoàn cơ sở vùng dân tộc thiểu số; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật nhằm lồng ghép các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; ký bản cam kết giữa các hộ hộ gia đình với ban quản lý thôn, làng không để xảy ra tình trạng tảo hôn và HNCHT…

Qua tăng cường công tác tuyên truyền, hầu hết đoàn viên thanh niên đều hiểu tác hại của việc tảo hôn và HNCHT, không những tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã từng bước được đẩy lùi. Theo thống kê, tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Trị đã giảm đáng kể. Từ năm 2016-2021, tổng số trường hợp tảo hôn giảm được 57 trường hợp; trong 04 năm liền trên địa bàn tỉnh không có trường hợp HNCHT, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn. Tính riêng trong năm 2021, toàn tỉnh có 792 trường hợp kết hôn, trong đó có 175 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ  22,1%. Tình trạng tảo hôn, HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh (đặc biệt là nạn tảo hôn) là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Thực tế chứng minh, tảo hôn và HNCHT để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội như: Nhiều trường hợp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, tuổi còn quá trẻ chưa thể sống tự lập được dẫn đến tình trạng đói nghèo, ly hôn; việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên ảnh hưởng tới sức khỏe em gái, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh, những đứa trẻ được sinh ra bởi cặp vợ chồng tảo hôn  thường ốm yếu, suy dinh dưỡng và dị tật...

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và HNCHT, như: Việc kết hôn trong đồng bào các DTTS vẫn dựa chủ yếu vào phong tục, tập quán cũ; phụ thuộc vào sự đồng ý của cha, mẹ và những người đứng đầu trong dòng họ. Tâm lý của đồng bào DTTS muốn con cái trong gia đình yên bề gia thất sớm, có người nối dõi và có thêm lao động để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Nhận thức và ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.

Do vậy, để khắc phục tình trạng trên và hoàn thành mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh cầntăng cường chỉ đạo các tổ chức đoàn, nhất là ở cơ sởtích cực phổ biến, giáo dục pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong thanh thiếu niên DTTS. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, khơi dậy tinh thần hiếu học, tiếp thêm động lực cho học sinh nghèo đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học, dẫn đến việc kết hôn sớm.

Thành lập các CLB giảm tảo hôn và HNCHT, với mục đích tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng tiêu chí nói không với tảo hôn, HNCHT. Tổ chức các buổi nói chuyện tại trường học, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của HNCHT; quan tâm nâng cao sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình... Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS.

Cần tăng cường vận động thuyết phục thanh thiếu niên, gia đình thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; thành lập các điểm tư vấn về hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Các cấp chính quyền địa phương phải kiên quyết, xử lý triệt để tình trạng tảo hôn và HNCHT, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình do thiếu hiểu biết. Thu hút, tập hợp trẻ em vị thành niên vào các tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Bên cạnh đó, chú trọng hình thức tuyên truyền thông; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động tuyên vận, hòa giải, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, HNCHT phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; Phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc,Mặt Trận Tổ quốc, Hội Liên Hiệp phụ nữ, Bộ đội Biên phòng, đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong khu dân cư.

 Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp bộ Đoàn, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tình trang tảo hôn và HNCHT trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy lùi góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

ThS. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn