Chi tiết - Sở Tư pháp

Thông tư 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 174/2011/TT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Qua 07 năm triển khai thực hiện Thông tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã gặp khó khăn sau:

Việc trích chuyển theo tỷ lệ được quy định tại Thông tư không đủ để trích chuyển hỗ trợ cho các cơ quan có liên quan khi thực hiện xác minh án tích và không đảm bảo cho Sở Tư pháp phục vụ công tác: xây dựng, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Cụ thể:

* Đối với trường hợp thu phí 100% (mức thu 200.000 đồng/lần/người): sau khi trích chuyển cho các cơ quan liên quan theo quy định tại Thông tư thì số tiền còn lại là 64.800 đồng và phải trích 40% trong số tiền 64.800 đồng được để lại để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; số tiền Sở Tư pháp được phép chi theo khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 244/2026/TT – BTC là: 38.880 đồng/trên một hồ sơ; Ngoài ra, nếu phải chi trả cho các cơ quan có liên quan để xác minh án tích 25.000 đồng/yêu cầu và trung bình mỗi trường hợp cần xác minh tại các cơ quan có liên quan (nếu có án tích) tại 04 cơ quan: 25.000đ x 4 = 100.000 đồng. Như vậy, trong nhiều trường hợp phí sẽ âm và không có phí để chuyển cho các cơ quan có liên quan.

* Đối với trường hợp miễn và giảm phí thì hoàn toàn không có phí để hỗ trợ trong trường hợp cần phối hợp với nhiều cơ quan xác minh.

Nguyên nhân là do phí được trích để lại để trang trải cho công việc quá thấp.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy hoạt động lý lịch tư pháp phát triển, Sở Tư pháp đã đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất:  Mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: Đề nghị giảm 10%/mức thu nếu nộp theo phương thức trực tuyến hoặc qua ứng dụng VneID.

Thứ hai: Tỷ lệ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để trang trải cho hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Đề nghị tăng thêm tỷ lệ % để lại cho Sở Tư pháp sau khi trích nộp ngân sách nhà nước để trang trải cho các nội dung liên quan đến việc cấp phiếu LLTP như: Văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, mua sắm vật tư, phương tiện lưu giữ, xử lý, bảo quản hồ sơ; chi hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia phối hợp với cơ quan thực hiện tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp và trong việc liên hệ, theo dõi, đôn đốc, đối trừ các hồ sơ được miễn giảm, đối soát hồ sơ và kinh phí, tổng hợp thông tin, nhận và chuyển kết quả Hồ sơ tra cứu, xác minh của các cơ quan có liên quan và các khoản chi khác có liên quan đến việc tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ cấp Phiếu LLTP theo quy định.

Thứ ba: Đề xuất tỷ lệ trích và cách thức chuyển phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho cơ quan thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp:

+ Nếu cơ quan thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thì trích chuyển 50% tiền số phí được để lại, tương ứng với số lượng hồ sơ yêu cầu xác minh đã được hoàn thành vào tài khoản của Trung tâm LLTPQG

+ Nếu cơ quan thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp là Phòng Hồ sơ Công an tỉnh thì trích chuyển 50% tiền số phí được để lại, tương ứng với số lượng hồ sơ yêu cầu xác minh đã được hoàn thành vào tài khoản của Phòng Hồ sơ-Công an tỉnh

Thứ tư: - Mức phí xác minh thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan Công an (trừ phòng Hồ sơ - Công an tỉnh), cơ quan Tòa án và các cơ quan có liên quan: Đề nghị bỏ quy định tổ chức thu phí hỗ trợ cho mỗi cơ quan khác thực hiện xác minh 25.000 đồng/yêu cầu. Bởi vì, số lượng người bị kết án khá nhiều nên phải xác minh tại nhiều cơ quan mới có đầy đủ thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nếu cơ quan nào cũng yêu cầu chuyển kinh phí thì số phí thu không đủ bù chi, chưa kể những trường hợp miễn giảm. Mặt khác, Luật Lý lịch tư pháp chỉ quy định cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải nộp phí còn cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không phải nộp phí. Do đó, việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau để phục vụ cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì cần phải bỏ việc trích chuyển kinh phí cho có sự tương thích. Nếu phải trích chuyển kinh phí cho các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp tra cứu, xác minh thì đề nghị bổ sung quy định mức thu phí cấp Phiếu LLTP trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã  nhằm bù đắp chi phí cần thiết trong công tác lý lịch tư pháp.

Thứ năm: Đối với tổ chức thu phí là Sở Tư pháp: Đề nghị bỏ việc tổ chức thu phí trích 4% số tiền phí thu được chuyển về tài khoản của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, bởi vì: việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nhiệm vụ chung của tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước, không riêng gì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Mặt khác, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính Phủ thì số tiền phí để lại dùng để chi cho các công việc của tổ chức thu phí, không có đề cập đến việc tổ chức thu phí phải trích chuyển cho đơn vị không tổ chức thu phí (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) để sử dụng trang trải chi phí cho các nội dung chi tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP.

                                                                                                                                  Hoàng Trang