Chi tiết - Sở Tư pháp

Với nhiệm vụ được giao giúp Lãnh đạo Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực công tác: xây dựng văn bản QPPL pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật. Năm 2023, trên cơ sở bám sát quy định của pháp luật, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Lãnh đạo Sở Tư pháp, tập thể Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã chủ động tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng một cách toàn diện, kịp thời, có hiệu quả; kết quả cụ thể như sau:

Công tác xây dựng pháp luật

Phòng đã phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lập danh mục văn bản quy định chi tiết  luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, cụ thể: đã tham mưu Lãnh đạo Sở trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành 10 văn bản ban hành các danh mục đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh để phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Phòng đã tiến hành thẩm định vào 58 dự thảo văn bản QPPL do các Sở, ban, ngành gửi đến; tham gia vào 79 dự thảo văn bản theo yêu cầu của các cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Năm 2023, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật (21 Nghị quyết, 25 Quyết định). Trong đó, Phòng đã tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết số 29/2023/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 Quy định mức hỗ trợ cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và người giúp việc cho người giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 30/2023/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 Quy định mức phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trình tự, thủ tục ban hành được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan.

         Bên cạnh đó, Phòng đã tiến hành cập nhật 49 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Quá trình cập nhật văn bản đảm bảo đúng theo quy định của Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Đã kiểm tra, rà soát 66 văn bản theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP.

         Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL

Phòng đã tham mưu Lãnh đạo Sở trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đã tiến hành tự kiểm tra 26 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành và phối hợp với các Sở, ngành tự kiểm tra và lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành Trung ương. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Về công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền: Phòng đã thực hiện kiểm tra tại chổ 26 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành gửi đến. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 26/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2023; Kế hoạch số 1194/KH-STP ngày 23/6/2023 của Sở Tư pháp về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại địa bàn các huyện năm 2023; Phòng đã tham mưu Lãnh đạo Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiến hành kiểm tra 45 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện Đakrông, Gio Linh, Triệu Phong ban hành và đã ban hành các kết luận kiểm tra theo quy định.

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý, đã tổng hợp, rà soát bổ sung và tham mưu Lãnh đạo Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 85/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 về việc công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của UBND tỉnh Quảng Trị năm 2022 với tổng số 35 văn bản hết hiệu toàn bộ, 31 văn bản hết hiệu lực một phần. Qua đó, góp phần làm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, Phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện rà soát và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan.

Để tổ chức thực hiện công tác hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 -2023 (kỳ 3) trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định, Phòng đã tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành các văn bản để đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện Kế hoạch hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật kỳ 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở các văn bản đôn đốc, hướng dẫn về công tác hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện việc hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch đề ra.

Công tác Quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính

Phòng đã tham mưu Lãnh đạo Sở trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc ban hành các văn bản để hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo công tác xử lý vi phạm hành chính. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Phối hợp tổ chức tổ chức 01 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp huyện, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính cấp xã. Tham mưu Lãnh đạo Sở trả lời một số vụ việc vi phạm hành chính theo đề nghị của các cơ quan.

Bên cạnh đó, Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác pháp chế năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác pháp chế. Tham mưu Lãnh đạo Sở thực hiện các công tác khác, cụ thể như: tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành hơn 60 văn bản để tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản hành chính của các cơ quan ở Trung ương và địa phương và nhiều văn bản để hướng dẫn, trả lời nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Phòng; các kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện; thực hiện đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính (Par index) tỉnh Quảng Trị 6 tháng đầu năm 2023; tham gia ý kiến nội dung văn bản thoả thuận giao nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Quảng Trị;...

Nhìn chung, trong năm 2023, Phòng đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Sở thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; công tác pháp chế; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và các công tác khác. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành tuân thủ đúng quy trình, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cơ bản bảo đảm tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp giữa văn bản địa phương và văn bản cấp trên; tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, từ đó bảo đảm chất lượng của văn bản được ban hành khi tổ chức triển khai thực hiện; góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Phòng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, một số quy định của pháp luật hiện hành có mâu thuẩn, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, một số cơ quan chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thời gian đã được phân công nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật ở các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh phần lớn đều kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến công tác xây dựng pháp luật nói chung và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng cũng như công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được góp phần nâng cao chất lượng công tác của xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và công tác quả lý xử lý vi phạm hành chính của địa phương, Phòng có một số đề xuất, kiến nghị như sau: Thứ nhất, đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, xử lý vi phạm hành chính ở địa phương. Khi Bộ tổ chức tập huấn cần mở rộng đến các đối tượng là cán bộ pháp chế các Sở, ngành cấp tỉnh; công chức của Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm hành chính ở các cơ quan; Sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để phù hợp với tình hình thực tiễn. Thứ hai, đề nghị các Bộ, ngành: Thường xuyên thực hiện rà soát các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành hoặc tham mưu ban hành để xử lý kịp thời những văn bản không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; Thường xuyên cập nhật các văn bản thuộc trách nhiệm cập nhật của mình trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật theo quy định, đặc biệt là cập nhật phần hiệu lực của các văn bản đã được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan ở địa phương tra cứu để phục vụ cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL./.