Chi tiết - Sở Tư pháp

Sơn Tiên - Phòng VBQPPL

 

       Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, để giành độc lập, tự do và gìn giữ hòa bình của Tổ quốc, Nhân dân Việt Nam đã phải hi sinh biết bao xương máu. Trải qua các cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyền được tự quyết vận mệnh của mình. Bởi vậy, hơn ai hết, Nhân dân Việt Nam luôn mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, đoàn kết, yêu thương và cùng nhau xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp. Chính vì thế, Đảng ta đã xác định độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa là đường lối đối ngoại nhất quán trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Đường lối này đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được quốc tế đồng tình ủng hộ. 

       Tuy nhiên, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá đường lối đối ngoại của Việt Nam. Từ lâu một vấn đề đã trở thành quy luật trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá nước ta, đó là mỗi khi tình hình chính trị khu vực và thế giới biến động phức tạp thì các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại lợi dụng tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm chống phá đường lối đối ngoại của Việt Nam. Chiêu bài đó đã và đang được thực hiện trong những ngày qua, khi chính trường thế giới dậy sóng trước những căng thẳng leo thang xoay quanh quan hệ giữa Nga và Ukraine mà đỉnh điểm là khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/02/2022.

 

       Nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam về xung đột giữa Nga và Ukraine

 

       Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức về xung đột giữa Nga và Ukraine, thế nhưng, các thế lực thù địch lại đang cố tình đưa ra những luận điệu sai trái, suy diễn, xuyên tạc nhằm gieo rắc sự hoài nghi về đường lối đối ngoại của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam trong quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

       Sau khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết về xung đột giữa Nga và Ukraine, trên internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị liên tục đăng tải thông tin, bài viết có nội dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong quan điểm, cách ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine, từ đó hướng dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai lệch về Việt Nam. Những luận điệu ấy cho rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, “lá phiếu phản ánh xu hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại và đồng lõa với cái ác”, “lá phiếu gây thất vọng lớn cho người dân Việt Nam”, vu cáo Việt Nam “hèn hạ và đạo đức giả”, tuyên truyền “viễn cảnh Việt Nam sẽ như Ukraine”.

       Một số luận điệu khác cho rằng Việt Nam đã không đi theo số đông, cố tình lựa chọn quan điểm trung lập đối với vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Cá biệt, một số người cuốn theo lối suy diễn ấy, đưa ra các bình luận tiêu cực, thậm chí kích động tư tưởng chống phá, từ đó lấy cớ vu cáo “người dân ủng hộ đa số” còn quan điểm của Đảng và Nhà nước “chỉ là thiểu số”. Nhiều bài viết đưa ra luận điệu quy chụp, cho rằng Việt Nam cũng như các quốc gia chọn giữ thái độ trung lập là những quốc gia đổ lỗi cho Mỹ và phương Tây đã kích động cuộc xung đột này diễn ra.

       Ở phương diện khác, từ những quan điểm, phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam về tình hình chiến sự tại Ukraine trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các đối tượng đã cắt xén, thêm thắt, bịa đặt, làm sai lệch thông tin để quy kết cho phần lớn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga cũng như cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình, quay lưng với hòa bình.

       Bên cạnh đó, trên một số trang báo nước ngoài xuất hiện các luận điệu mang tính chỉ trích, phê phán việc truyền tải thông tin liên quan đến cuộc xung đột trên báo đài trong nước, từ đó tìm cách hướng người đọc tin theo chủ đích, ý đồ của họ. Từ thông tin trên báo chí, họ cho rằng: “Việt Nam khác biệt đa số thế giới về ngôn từ” khi đưa tin, bình luận về tình hình chiến sự ở Ukraine; các báo chính thống do Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý “kiên trì dùng ngôn từ khác các báo đài quốc tế, và chỉ gọi đó là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga”; báo chí Việt Nam “không đăng ảnh trẻ em, thường dân Ukraine bị giết vì bom đạn Nga và thường xuyên trích dẫn lập luận của các đài do chính quyền Nga quản lý”…

       Có thể thấy, mặc dù nội dung và hình thức có thể khác nhau nhưng các luận điệu này cũng đều nhuốm màu sai trái, suy diễn, xuyên tạc nhằm công kích vào quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung cũng như quan điểm và ứng xử đối với diễn biến tại chính trường Ukraine nói riêng; hạ thấp vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng đã được gầy dựng bấy lâu của Đảng, Nhà nước cũng như dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ cho ý đồ trước mắt và lâu dài của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị.

       Đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam về xung đột giữa Nga và Ukraine

       Để thấy rõ được tính chất sai trái, xuyên tạc trong luận điệu, đồng thời chủ động trong nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, cần nhìn nhận, xem xét khách quan, toàn diện, cụ thể, thấu đáo từ thực tiễn đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trước những bất ổn về chính trị xảy ra tại Ukraine thời gian qua ở mấy vấn đề sau:

       Thứ nhất, phải khẳng định rằng Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đi qua những cuộc chiến tranh khốc liệt với muôn vàn đau thương, mất mát. Chính vì lẽ ấy, Nhân dân Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, như đã và đang xảy ra tại Ukraine. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam những ngày qua liên tục truyền đi thông điệp thể hiện rõ quan điểm, lập trường chính thức của Đảng, Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xung đột quân sự xảy ra tại Ukraine, đồng thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh căng thẳng leo thang gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến nền hòa bình của nhân loại. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn bày tỏ mong muốn Nga và Ukraine nhanh chóng chấm dứt việc dùng vũ lực, thay vào đó là những vòng đàm phán, những phiên đối thoại, những thỏa thuận nhằm tìm kiếm những giải pháp căn cơ, lâu dài cho các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực kêu gọi và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế.

       Ngày 01/3/2022, khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ XI thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã phát biểu: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.

       Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.

       Ngày 03/3/2022, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

       Có thể thấy rằng, kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột và Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, công lý, luật pháp quốc tế. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam cũng quán triệt và thực hiện theo tinh thần đó, đưa tin, bình luận về tình hình ở Ukraine một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở nguồn tin chính xác. Chính vì vậy những luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam ủng hộ bên này chống bên kia, “cổ súy chiến tranh” là hoàn toàn sai trái, xuyên tạc.

       Thứ hai, trong sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn xác định phải xây dựng một nền đối ngoại giàu tính nhân văn, thân thiện, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa; nêu cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân cũng như nhân loại trên thế giới. Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu, rộng. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, điều hành, tổ chức và quản lý công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Đặc biệt, trong quan hệ đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta luôn giữ vững nguyên tắc “năm không”: Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết nước này để chống nước kia. Do đó, đối với vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine, Việt Nam luôn đứng ở vị trí trung lập để xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động.

       Thứ ba, trên tiến trình hội nhập và phát triển, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên tinh thần Nhân dân Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có cả Nga và Ukraine. Đối với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu và luôn là đối tác quan trọng. Cho nên, dù là Nga hay Ukraine, Việt Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đầu vì một môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đối nội, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Từ đó có thể khẳng định rằng, tinh thần hòa bình, hữu nghị, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa trong đường lối ngoại giao của Việt Nam nói chung và đối với xung đột giữa Nga và Ukraine nói riêng là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việt Nam luôn thẳng thắn, chân thành trong quan hệ quốc tế, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Đồng thời, đây cũng là bằng chứng thực tiễn sinh động, thuyết phục đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

       Một số giải pháp để bảo vệ, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta

       Trước hết, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch chống phá đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là đối vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine, các cấp ủy Đảng cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những điểm mới về đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu trong công tác đối ngoại để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

       Thứ hai, cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam phải luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; giữ vững quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị. Chúng ta không thể lấy những ý kiến, lời bình của các cá nhân đơn lẻ để quy thành cái chung, cái phổ biến, cái bản chất. Thực tế đòi hỏi chúng ta cần tỉnh táo để không “tát nước theo mưa”, hùa theo những luận điệu sai trái, xuyên tạc. Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc về Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.

       Thứ ba, tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ về lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước và tinh thần yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân biệt đúng - sai, khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu độc. Hình thức giáo dục, tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, linh hoạt. Ngoài việc tuyên truyền trên sách báo, các phương tiện thông tin truyền thống, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên internet và mạng xã hội để mọi người dễ dàng tiếp cận những thông tin chính thống, có nội dung tích cực. Thiết lập các trang mạng, tài khoản chính thống để huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

       Thứ tư, cần phát huy vai trò, sức mạnh của báo chí, truyền thông internet trong việc đấu tranh và phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Báo chí và truyền thông nói chung và báo mạng, truyền thông mạng nói riêng cần phát huy tốt vai trò của mình trong việc đưa tin, bài kịp thời, phát đi thông điệp chính thức về quan điểm của Việt Nam đối với xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời truyền tải tinh thần ủng hộ hòa bình, chính nghĩa và công lý của nhân dân Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam đến người dân trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế.

       Thứ năm, tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam. Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng và mạng xã hội như: Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018...

       Thứ sáu, tăng cường xử lý các đối tượng đăng tải, chia sẻ các thông tin, bài viết, video, hình ảnh có nội dung xấu độc, sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm minh, xét xử công khai, có hình phạt thích đáng đối với những đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, chống phá Đảng, Nhà nước để tăng tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

       Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá đường lối đối ngoại của nước ta, Đảng ủy Sở Tư pháp đã kịp thời quán triệt đảng viên trong toàn Đảng bộ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch; quán triệt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những điểm mới về đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để có giải pháp đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống trong nội bộ, ngăn chặn những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đảng ủy Sở cũng thường xuyên rà soát để nắm bắt tình hình, nhất là các thông tin xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông như internet, các trang mạng xã hội để kịp thời thông tin đến cán bộ, đảng viên được biết.

       Đặc biệt, căn cứ hướng dẫn của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Sở Tư pháp kịp thời chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tổ chức Diễn đàn sinh hoạt chi bộ với chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tại diễn đàn, các đảng viên đã tích cực thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến làm rõ các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; nêu rõ thực trạng của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng của cán bộ, đảng viên; khẳng định được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp đối với đảng viên, các tổ chức Đảng trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW.

       Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác đối ngoại. Chúng ta tin tưởng rằng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động đối ngoại sẽ góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong nhiệm kỳ hiện nay và những năm tiếp theo. Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt, quyết tâm chính trị cao, một đường lối đối ngoại rõ ràng, linh hoạt; đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích mới làm cho Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta./.

Chi bộ Văn phòng Sở, Đảng bộ Sở Tư pháp tổ chức Diễn đàn sinh hoạt

(Ảnh: Bích Hảo)